top of page
dangvinhthang

AI VÀ NGÀNH SÁCH – VỪA HỒNG VỪA ĐEN




Một sáng đầu tháng 8 năm 2023, Jane Friedman nhận được phản hồi của độc giả về hai tựa sách của cô được bán trên trang Amazon. Chuyện đến đây cũng bình thường, vì Friedman là một tác giả và chuyên gia trong ngành xuất bản ở Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là cô không hề viết hai tựa sách này. Đến nay cũng chưa ai xác định được “tác giả” thật, mặc dù Friedman tin rằng phần lớn, hoặc thậm chí toàn bộ hai tựa sách này đều do AI (trí tuệ nhân tạo) biên soạn. Đó quả là một điều oái oăm khi vào năm 2015, trong quyển sách và khóa học cùng tên, “How to Publish Your Book” (“Cách xuất bản quyển sách của bạn”), chính Friedman từng nhận định rằng thời đại số sẽ tạo ra một loại hình tác giả mới, chuyên tái sử dụng, pha trộn và tổng hợp thông tin sẵn có chứ không độc quyền tạo ra nó nữa.

 

AI – TỪ ĐỜI THƯỜNG ĐẾN NGÀNH SÁCH

Đối với nhiều độc giả, những thuật ngữ như AI và GPT thật ra vẫn còn khá mơ hồ mặc dù chúng ta trông thấy chúng gần như hàng ngày. Để giải thích một cách gần gũi, hãy xem AI như một học trò muốn trở thành đầu bếp nên luôn học tập, tiếp thu thông tin về ẩm thực bất kể ngày đêm, chẳng bao giờ quên những gì mình học, và còn biết dùng chúng để giải quyết vấn đề. Nếu AI cơ bản là phụ bếp, thì GPT, được xem là loại “generative AI” (tạm dịch là “AI sáng tác”) tiên tiến bậc nhất hiện nay, chẳng khác nào một siêu đầu bếp có thể không ngừng tổng hợp nên những món mới. Nhưng điều đáng lưu ý là cô này chẳng cần cảm hứng mà chỉ cần số liệu thống kê, ví dụ nếu nguyên liệu A đi với nguyên liệu B thì khả năng tạo ra món ngon là bao nhiêu. Và điều thú vị nhất là cô ta chẳng quan tâm nếu món ăn bị bạn chê dở hoặc thậm chí chửi rủa, vì cô ta sẽ vẫn tiếp tục tạo ra món mới cho đến khi đúng ý bạn thích!

Đó cũng là cách mà Sean Michaels, một tác giả từng đoạt giải thưởng văn học, đã áp dụng để hoàn thành một quyển sách mới. Tác phẩm Do You Remember Being Born? này còn được tờ New York Times khen ngợi trên một bài giới thiệu vào cuối năm nay, dù nó có sự giúp sức của AI. Trong khi Sean Michaels nhờ ChatGPT làm thơ, nhiều tác giả khác thậm chí xem AI như trợ lý không thể thay thế của mình. Phân tích đặc điểm của độc giả tiềm năng, kiểm tra độ chính xác của các chi tiết trong bản thảo, hỗ trợ thực hiện những phiên bản phái sinh (chẳng hạn một bản dịch đủ tốt)… Đó chính là một số ví dụ dễ thấy mà một trợ lý đa năng như AI có đủ khả năng thực hiện, qua đó giải phóng tác giả để họ có thêm thời gian làm chuyện mình giỏi nhất: sáng tác.

Đương nhiên không chỉ tác giả có thể được giải phóng. Trong một cuộc thảo luận về ứng dụng AI cho xuất bản, diễn ra dịp hội sách Frankfurt (Đức) vào cuối tháng 10 vừa qua, ba diễn giả đều đồng ý với nhau rằng bên cạnh chức năng sửa lỗi chính tả và ngữ pháp vốn đã rất tốt, khả năng tóm tắt và phân tích văn bản của các công cụ AI tiên tiến nhất hiện nay đang hỗ trợ đắc lực cho biên tập viên. Với một nhà xuất bản có hàng trăm đầu sách mới mỗi năm, tiết kiệm được dù chỉ 1 giờ trên mỗi tựa sách cũng tạo ra lợi ích tổng thể rất lớn.

 

CỨ XÀI THÌ SẼ THÍCH

Tiết kiệm và hiệu quả có lẽ là hai trong số những từ thường được nhắc đến khi đề cập đến việc đưa AI vào ngành xuất bản. Đứng từ góc nhìn của một tác giả, đặc biệt là những tác giả muốn có quyền kiểm soát nhiều nhất đối với tác phẩm của mình, cả về nội dung lẫn hình thức, AI đang trở thành công cụ rất đắc lực. Có lẽ cũng không còn xa nữa, viễn cảnh tác giả đọc ý tưởng, câu chuyện vào điện thoại, máy tính, và AI sẽ diễn đạt chúng thành câu từ, vẽ minh họa nếu cần, và bảo đảm cho văn bản không chỉ sạch lỗi chính tả mà còn nhất quán.

Từ một góc nhìn khác, độc giả và giới làm kinh doanh, tiếp thị cho sách có lẽ sẽ đồng thuận với nhau ở một điểm: AI sẽ ngày càng giỏi hơn trong việc giới thiệu một tựa sách phù hợp đến đúng độc giả tiềm năng. Ngay từ giữa thập niên trước, một trong những nhà xuất bản lớn nhất thế giới là Penguin Random House (PRH) đã hăng hái ứng dụng trí tuệ nhân tạo thông qua chatbot được huấn luyện dựa trên dữ liệu từ sách của họ. Và mặc dù cho đến nay có lẽ Amazon vẫn còn ấm ức vì chính sách định giá ebook, PRH vẫn ung dung bởi giá từng ebook đều do hệ thống AI của họ tham gia đề xuất. Cùng với nhiều thành quả khác, đến nay PRH tự tin tuyên bố họ đang hướng tới khả năng tiết kiệm được cho nhân sự của mình đến 5.000 giờ làm việc mỗi năm.

Nếu việc so sánh với PRH nghe có vẻ xa vời, hãy lấy ThriftBooks, một trang web chuyên bán sách cũ ra làm ví dụ. Dù nhỏ bé nhưng công ty này vẫn chú trọng ứng dụng công nghệ, với đội ngũ nghiên cứu riêng. Thuật toán AI do họ kiên nhẫn xây dựng không chỉ gợi ý được các tựa sách mà độc giả đang cần tìm, nó còn làm rất tốt nhiệm vụ phân tích dữ liệu để đánh giá những tựa sách cũ nào thuộc loại “bán được” và với mức giá bao nhiêu thì hợp lý. Năm 2023, ThriftBooks kỷ niệm tuổi 20 bằng con số thống kê đáng tự hào: dữ liệu gồm hơn 10 triệu tựa sách và hơn 200 triệu cuốn sách mà họ đã bán trong quãng đời còn non trẻ của mình.

 

NHỮNG MẢNG HỒNG… ĐEN

Ra mắt chính thức vào cuối năm 2022, tuổi lên 1 của các phiên bản AI tiên tiến tuy đón nhận nhiều lời cảm ơn và ca ngợi, nhưng sự e ngại và chỉ trích cũng nhiều không kém. Trường hợp của Jane Friedman được nhắc ở đầu bài là một ví dụ đáng lưu ý, mặc dù nó hiếm khi được truyền thông đề cập so với tin tức về những cuộc đình công của giới biên kịch ở Hollywood, hoặc những vụ kiện khó phân xử về quyền tác giả ở Mỹ. Khi một công nghệ bắt đầu xâm nhập vào cuộc sống, thường với tốc độ của xe hơi, những luật lệ liên quan hầu như luôn phải chạy bộ để đuổi theo. Thế nên một khi AI đã hào hứng lướt vào xâm nhập lãnh địa sáng tác nội dung, chúng ta chắc chắn sẽ còn tiếp tục được đọc, nghe, chứng kiến nhiều tranh cãi và kiện tụng liên quan đến nó.

Một trong những vụ tốn khá giấy mực là khi Getty Images phát hiện, dù rất tình cờ, hình ảnh trong cơ sở dữ liệu của họ xuất hiện trên “tác phẩm” do AI vẽ. Tạm gác lại khía cạnh bản quyền, câu chuyện này góp phần soi tỏ thêm bản chất của “AI sáng tác” hiện nay. Như đã nhắc ở đầu bài, loại AI này dù giống như một siêu đầu bếp nhưng chỉ có thể sáng tác ra món ăn từ nguyên liệu và công thức có sẵn trong bộ nhớ của mình. Phải chăng đây cũng là một dạng “đạo văn”, “chôm chỉa”, hoặc nói nhẹ hơn là “vay mượn” sáng tác của người khác? Có nhiều tác giả thừa nhận một cách minh bạch rằng tác phẩm của họ có phần do AI tạo ra, chẳng hạn tất cả những bài thơ trong Do You Remember Being Born? của Sean Michaels. Nhưng chắc chắn tại thời điểm này, có không ít “món ngon vật lạ” trên thị trường được ngụy tạo dưới cái mác sáng tạo.

Có lẽ với sự trỗi dậy của AI, xét trong ngành liên quan đến sáng tác nội dung, chưa bao giờ sự sáng tạo có thể vừa gợi cảm hứng lại vừa trở nên nguy hiểm như hiện nay. Tranh minh họa sắc nét và sinh động do AI tạo ra đang xuất hiện khắp nơi. Nhưng ảnh khỏa thân giả mạo để bôi nhọ người khác cũng không ít. Thậm chí án lệ do công cụ Google Bard bịa ra, đọc lên nghe như thật cũng mới bị phát hiện trong một phiên tòa lớn diễn ra gần đây ở thành phố New York, sau vài vụ tương tự! Trong bối cảnh đó, đương nhiên các nhà xuất bản không thể và cũng không dám lơ là.

Trước tiên, về mặt pháp lý, các bên liên quan thật ra đều đang… rối, ngay cả nước Mỹ với hệ thống luật rất đầy đủ và tiên tiến. Cho đến nay, các vị thẩm phán Mỹ chỉ mới tạm thống nhất với nhau một điều: tòa sẽ không bảo vệ bản quyền cho bất cứ tác phẩm nào do AI tạo ra. Thế nên từ những nhà xuất bản lớn nhất thế giới đến các công ty xuất bản tý hon đều đang chính thức yêu cầu, hoặc ít ra cũng cân nhắc đề nghị tác giả cam kết minh bạch phần nào trong tác phẩm của mình là nhờ AI sáng tác. Ngay cả Amazon với “tuổi nghề” xuất bản còn non trẻ và chính sách xét duyệt bản thảo tương đối dễ dãi cũng phải hối hả cập nhật quy định của mình, sau khi nhận được mưa bản thảo viết bởi AI, đặc biệt là tiểu thuyết ngôn tình!

Tuy nhiên đó thật ra là một thế tiến thoái lưỡng nan, bởi không phải ai cũng trung thực như tác giả Sean Michaels ở trên. Thế nên cũng chẳng có gì lạ khi rất nhiều người cả trong và ngoài giới làm sách đang kêu gọi các nhà xuất bản cấm tiệt bản thảo có sự tham gia của AI, để bảo tồn sự thuần khiết của sáng tạo. Ngược lại, ở thái cực bên kia, nhiều người tin rằng chính nhờ AI mà sáng tạo sẽ vươn tới những chân trời mới, ngoài sức tưởng tượng của đám thủ cựu không chịu tiến hóa kia. Nhưng có lẽ phe trung dung lại đang tỏ ra lý trí nhất: đây mới chính là lúc thích hợp để con người chứng tỏ giá trị của mình so với trí tuệ nhân tạo – hãy kiểm tra kỹ thông tin do AI gợi ý, hãy sử dụng những công cụ chống đạo văn tiên tiến (mà oái ăm thay, chúng cũng là AI!), nhưng hãy hợp tác với AI, để chúng giúp ta sáng tạo với tốc độ và hiệu quả chưa từng có.

Trang tin xuất bản The Book Companion có một nhận xét khá thú vị: “hãy xem AI như một đứa trẻ ngỗ ngược nhưng thông minh”. Cả đứa trẻ đó và chúng ta, những phụ huynh và giáo viên của nó, vẫn đang tiến hóa. Công nghệ và luật pháp cũng vậy. Với việc AI đang trở nên dễ tiếp cận và do đó sẽ đóng một vai trò lớn trong việc thay đổi xã hội, có thể so sánh bối cảnh hiện nay với thập niên 1990 khi máy tính cá nhân và internet đã tạo nên tác động tương tự. Ba mươi năm trước, người ta cũng từng phải vượt qua những bất cập và e ngại để dần thích ứng. Thế nên hiện thời chúng ta hãy tạm hài lòng với những suy nghĩ lạc quan. Chẳng hạn: AI có thể nhái văn phong của Dan Brown, J. K. Rowling hoặc ngay cả những nhà văn được yêu thích ở Việt Nam như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, nhưng ít ra là trong tương lai gần, nó sẽ không thể tạo ra được cảm giác phấn khích của độc giả lúc chạm mặt hoặc nghe tác giả yêu thích của mình kể chuyện đời!

9 views0 comments

Comentarios


bottom of page